Bảo tàng Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc ấn tượng nhất năm 2010 của Việt Nam, nội dung trưng bày theo thể loại bảo tàng tường thuật.
Hình khối giống nhau nhìn từ mọi hướng
Đây cũng là bảo tàng đẹp nhất cả nước, được hoàn thành nhân kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội.
Với lối kiến trúc độc đáo, bảo tàng kể cho người tham quan một câu chuyện liền mạch về Thủ đô nghìn năm tuổi qua những hiện vật sinh động.
Giữa những tòa nhà mới theo phong cách châu Âu sang trọng, Bảo tàng Hà Nội vẫn toát lên nét Á Đông đồng thời lại có dáng dấp kiến trúc đương đại độc đáo bậc nhất hiện nay.
Nằm trong tổ hợp kiến trúc liên hoàn với Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bảo tàng Hà Nội được xây dựng trên diện tích gần 54.000m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 30.000m2, chiều cao 30,7 m, tổng giá trị đầu tư 2.300 tỷ đồng, do đơn vị Liên danh GMP International GmbH-Inros Lackner AG (CHLB Đức) thiết kế .
Tòa nhà chính bảo tàng được đặt trong cảnh quan thiên nhiên nhân tạo, với hình khối giống nhau khi nhìn từ mọi hướng. Mặt chính bảo tàng hướng về phương đông, nhìn ra đại lộ Thăng Long; phía đông-nam và tây-nam là công viên bảo tàng tiếp nối không gian sân vườn, cây xanh, mặt nước của công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia; phía bắc là không gian cây xanh tiếp giáp tuyến đường khu vực
Bên trong Bảo tàng Hà Nội trong ngày khai trương. Ảnh: TTXVN
Kiến trúc của bảo tàng được thiết kế theo hình kim tự tháp ngược, giật cấp với 4 tầng nổi (tầng 4 có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần) và 2 tầng hầm. Hình khối kiến trúc đó khiến công trình có kết cấu phức, đòi hỏi nhiều yêu cầu kỹ thuật cao lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.
Lối kiến trúc này khởi nguồn từ những năm 70 và 80 của thế kỷ 20 và nhanh chóng nổi tiếng trên toàn thế giới. Các công trình được thi công từ tầng cao nhất với bốn cột trụ, rồi lần lượt xây xuống các tầng dưới. Kim tự tháp ngược ở Slovakia, tiền sảnh tòa nhà Easar Palace ở Las Vegas, tòa nhà Vương miện phương Đông ở Trung Quốc là những công trình nổi tiếng trên thế giới áp dụng lối kiến trúc này.
Bước vào từ cổng chính, người xem có cảm giác Bảo tàng được treo lơ lửng bởi các tầng trên vươn dần ra ngoài. Bên cạnh đó, các hạng mục cây xanh, quảng trường, hồ nước, thác nước, bãi đỗ xe phía trước… lại cho cảm giác chúng đang chuyển dịch gần và đi vào dưới tòa nhà.
Phía trong Bảo tàng, không gian kiến trúc nội thất tiếp tục đưa người xem đến với những bất ngờ khác. Ngay tại sảnh chính, ta có thể quan sát toàn cảnh không gian thông tầng hình tròn, một đường dốc có hình xoắn ốc nối liền cả bốn tầng. Dàn đèn lớn chính giữa sảnh có khuôn tròn, giữa hình chữ thập; nhìn từ dưới ta có cảm giác nó giống như một chiếc nón khổng lồ có chóp vươn tới nóc bảo tàng.
7 giờ tối, khi hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại được bật lên, trông xa Bảo tàng như một khối thủy tinh khổng lồ, lấp lánh phía sau đài phun nước. Lúc này người tham quan chỉ có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ phía ngoài vì Bảo tàng không mở cửa đón khách sau 5 giờ chiều.
Một “dải cuốn” kết nối thời gian
Đó là ý tưởng của các nhà thiết kế khi tạo nên một đường xoắn ốc ngược chiều kim đồng hồ phía trong Bảo tàng - lối đi bộ nối các tầng với nhau. Du khách sẽ tiếp tục đi theo hướng này vòng quanh sảnh ngoài của mỗi tầng để tham quan. Đây cũng chính là “dải cuốn” kết nổi quá khứ với hiện tại, đưa người tham quan ngược dòng thời gian chứng kiến những dấu tích lịch sử của Thủ đô nghìn năm tuổi.
Bên trong bảo tàng
Với ý tưởng kể cho người tham quan câu chuyện về lịch sử Thủ đô, các hiện vật trong bảo tàng được trưng bày, sắp đặt theo trình tự thời gian. Các địa điểm, vật thể, sự kiện, con người được kết nối thông qua các câu chuyện tường thuật giàu cảm xúc.
Nếu như kiến trúc tổng thể của Bảo tàng là một điểm nhấn về sự phát triển của Thủ đô thì nội dung trưng bày chứa đựng những nét tinh hoa và linh hồn của Hà Nội suốt chiều dài nghìn năm lịch sử.
Tầng 1 trưng bày mô hình cột chạm hình rồng thời Lý đặt trên đế quay, tạo thế đôi rồng bay lên mây xanh. Các hiện vật lưu giữ có gốm sứ thời Lý - Trần - Lê; ảnh, tư liệu khoa học về nội dung Thăng Long thời Đại Việt và việc phát hiện cổ vật khu vực Hoàng Thành Thăng Long.
Cuối sảnh, một gian bán đồ lưu niệm nằm khiêm tốn trong diện tích khoảng 10m2. Gian hàng bày bán những cuốn sách, băng đĩa về sự phát triển của Thủ đô qua các thời kỳ; những sản phẩm khảm trai, đồ đồng, khăn tơ lụa, tranh đá quý được mang về từ khắp các làng nghề truyền thống của Hà Nội.
Tầng 2 là khu trưng bày Tự nhiên và khu trưng bày Tiền Thăng Long với điểm nhấn là Trống đồng Cổ Loa, hình ảnh về ba vòng thành Cổ Loa thời An Dương Vương, Vườn quốc gia Ba Vì và sự đa dạng sinh học của Thủ đô qua các giai đoạn lịch sử.
Ấn tượng nhất chính là mô hình tái hiện Vườn Quốc gia Ba Vì với hệ động - thực vật phong phú, nhiều loài thực vật quý hiếm như: Bách xanh, Thông tre, Sến mật…, có loài chỉ có ở Ba Vì như: Cà lồ, Bời lời, Xương cá…
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là khu vực trưng bày ở tầng 3 bởi số lượng hiện vật vượt trội và rất phong phú. Các hiện vật ở đây chủ yếu đến từ bộ sưu tập tư nhân của hai nhà sưu tập Vũ Tấn và Nguyễn Đình Sử.
Không chỉ có số lượng hiện vật nhiều nhất, bộ sưu tập của ông Sử còn cực kỳ phong phú. Trong đó, nhiều hiện vật được đánh giá là “vô giá” như: một loạt trống đồng cổ, đồ đất thời Lý, đồ đồng Lý-Mạc, đồ đồng Đông Sơn, gốm sứ Bát Tràng và bộ sưu tập tiền cổ với nhiều đồng tiền cực kỳ quý hiếm có tuổi đời cả nghìn năm trải từ các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần. Khu trưng bày hiện vật của ông Sử được quây kín và được cạnh gác nghiêm ngặt bởi hệ thống camera và bốn vệ sĩ riêng.
Tầng 4 là nơi triển lãm tư liệu về Hà Nội xưa, nổi bật là thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Các cổ vật trưng bày ở đây ngoài kho cổ vật quí hiếm ở Bảo tàng Hà Nội cũ còn có các bộ sưu tập tư nhân gửi đến và hàng trăm cổ vật, quà tặng khác của người dân trong và ngoài nước.
Phía ngoài, không gian công viên Bảo tàng hiện nay còn có thêm khu vực trưng bày của Hội sinh vật cảnh TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Những chậu cây cảnh quý, cây thế làm sinh động, tươi đẹp thêm không gian của Bảo tàng, tạo ra thêm những điểm dừng chân.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã phát biểu đầy tự hào trong lễ khánh thành Bảo tàng Hà Nội: "Đây thực sự là một công trình văn hóa tiêu biểu ghi dấu ấn của thời kỳ Thủ đô đổi mới và hội nhập. Tại đây, chúng ta được ngắm nhìn hiện vật của thời tiền sử, đương sử... các hiện vật tinh xảo rực rỡ của thời kỳ Đông Sơn".
Chia sẻ bài viết: